Có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không hành động nếu như chúng ta biết được kết quả của hành động đó sẽ tồi tệ - chúng ta sẽ không trở nên giận dữ nếu chúng ta thấy được những tác hại mà cơn giận gây ra.
Tại sao chúng ta lại vẫn dễ dàng để cảm xúc giận dữ chi phối, dẫn đến những hành động và suy nghĩ đáng tiếc?
Sự thật là khi cơn giận bùng lên và cảm xúc lẫn át lý trí, việc nhận ra điều gì là đúng đắn trở nên vô cùng khó khăn. Và đôi khi, chúng ta lại quá "tự hào" vì cơn giận của mình, như thể giận dữ là cách duy nhất để chứng minh rằng mình có QUYỀN. Nhưng thực tế, giận dữ chỉ khiến chúng ta trở thành "NẠN NHÂN" của chính cảm xúc của mình, cơn giận giống như một con dao hai lưỡi, vừa làm tổn thương người khác, vừa tự làm mình đau.
Chúng ta cần phải thừa nhận một điều: Dù hoàn cảnh hay hành động, thái độ của người khác có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của ta, nhưng cách chúng ta cảm nhận và phản ứng lại với chúng hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính mình.
Vậy có cách nào để không những vượt qua được sự giận dữ một cách duyên dáng mà còn trở nên bình tĩnh, rõ ràng và sáng suốt hơn bao giờ hết ?
Bạn hãy thử thực hiện theo các bước sau nhé:(nghiêm túc thực hiện theo các bước chắc chắn có hiệu quả)
- Nhận biết cơn giận: Bước đầu tiên và quan trọng nhất là phải nhận ra khi nào mình đang tức giận. Khi giận dữ, nhịp tim có thể tăng lên, cơ thể căng thẳng, trở nên nóng hoặc run rẩy.
- Tạo "Nút Tạm Dừng" bằng cách hít thở sâu: Ngay sau khi phát hiện ra cảm xúc tiêu cực đang dâng lên, thay vì phản ứng ngay theo cảm xúc, bạn hãy nhanh chóng tạo khoảng cách giữa chúng bằng cách hít thở sâu, đây là một chiến lược quan trọng giúp chúng ta không những làm dịu cơn tức giận mà còn có thời gian để suy nghĩ lựa chọn những hành động tiếp theo.
- Tập trung quan sát sự tức giận: Cảm xúc không phải là những thứ tồn tại vĩnh viễn. Chúng chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc rồi tự tan biến đi. Mỗi cảm xúc đều có chu kỳ sinh và diệt. Khi ta hiểu được điều này, ta sẽ không còn cảm thấy áp lực hay sợ hãi khi cảm xúc xuất hiện.
Vì vậy khi dừng lại, hãy hướng sự chú ý vào bên trong bạn, tập trung sự quan sát vào sự tức giận mà không phản ứng hay phán xét, không gắn bó hay níu kéo, không dính mắc, không can thiệp. Nó tự sinh ra, mạnh mẽ và dữ dội, nhưng sau đó dần dần yếu đi khi ta không tiếp tục nuôi dưỡng nó bằng sự bực bội hay phản ứng thái quá.
Khi cơn giận qua đi, ta sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhõm, như thể một gánh nặng đã được tháo gỡ. Lúc này, tâm trí trở lại trong sáng và ta có thể nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng, không bị che mờ bởi cảm xúc. Ta trở lại là chính mình, với một không gian tĩnh lặng trong tâm hồn, để thấy mọi thứ trong sự cân bằng và bình an.
Nếu như bạn vẫn không thể kiểm soát được cơn giận hãy thử áp dụng những phương pháp sau nữa nhé:
- Thay đổi suy nghĩ: Thay vì tiếp tục tập trung vào những điều khiến mình tức giận, hãy thử nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Có thể bạn sẽ tìm ra những cách giải quyết mà trước đó mình chưa nghĩ tới. Đôi khi, chỉ cần một thay đổi trong suy nghĩ cũng giúp bạn nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng và tích cực hơn.
-Tạm rời xa tình huống: Nếu bạn vẫn không thể giữ được bình tĩnh, hãy tạm thời rời xa đối tượng hoặc tình huống đang gây ra sự tức giận. Khoảng cách này sẽ giúp giảm bớt cảm giác nóng giận và tạo cơ hội cho bạn quay lại với cảm xúc điềm tĩnh và kiểm soát hơn.
- Giải phóng năng lượng tiêu cực: Khi bạn tức giận, cơ thể sẽ giải phóng năng lượng tiêu cực. Để giải tỏa, bạn có thể thử tập thể dục hoặc chạy bộ. Những hoạt động này giúp cơ thể tiêu hao năng lượng xấu giúp bạn làm dịu cơn giận và lấy lại sự bình tĩnh.
Việc kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc là một quá trình dài, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, khi hiểu rõ cơ chế của cơn giận, biết cách điều chỉnh và thực hành hàng ngày, chúng ta sẽ dần hình thành thói quen kiểm soát cảm xúc. Dần dần, số lượng cơn giận sẽ giảm hẳn, và bạn sẽ cảm thấy khi đối mặt với cảm xúc tiêu cực bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, bình tĩnh và sáng suốt hơn bao giờ hết.